Hiện nay, nhu cầu mua xe cũ hoặc chuyển nhượng xe giữa các cá nhân, tổ chức khá phổ biến. Để được phép lưu thông trên đường, người mua bán, chuyển nhượng xe đã qua sử dụng cần tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ xe ô tô theo đúng quy định của pháp luật.
1. Có cần thiết thực hiện sang tên xe ô tô không?
Việc sang tên xe ô tô khi thay đổi chủ sở hữu xe là yêu cầu bắt buộc nhằm:
– Giúp chủ phương tiện thực hiện các giao dịch pháp lý về tài sản như hợp đồng cầm cố, thế chấp vay vốn… thuận lợi hơn.
– Tránh các mức phạt khi điều khiển xe ô tô không chính chủ theo Nghị định 100/2019: Phạt từ 2 đến 4 triệu đồng đối với xe thuộc sở hữu cá nhân, từ 4 đến 8 triệu đồng đối với xe thuộc sở hữu tổ chức, doanh nghiệp.
– Thuận tiện hơn cho cơ quan chức năng điều tra, liên hệ chủ phương tiện trong trường hợp xe bị mất cắp.
– Giúp cơ quan chức năng dễ quản lý, truy cứu trách nhiệm khi người sử dụng xe gây tai nạn, vi phạm luật giao thông.
2. Các loại giấy tờ cần thiết khi sang tên xe ô tô
Để đảm bảo các thủ tục được thực hiện thuận lợi và nhanh chóng, chủ phương tiện mới cần chuẩn bị hồ sơ sang tên xe ô tô với đầy đủ các giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký sang tên đổi chủ xe theo mẫu;
– Giấy tờ tùy thân của chủ xe mới;
– Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô;
– Hợp đồng mua bán xe xe ô tô cũ đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
– Chứng từ nộp lệ phí trước bạ: Biên lai nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt, séc hoặc ủy nhiệm chi của ngân hàng hợp lệ;
– Hồ sơ gốc của xe: Trong trường hợp sang tên khác tỉnh thành.
3. Thủ tục sang tên ô tô
Tùy thuộc vào địa chỉ thường trú của người mua và người bán mà thủ tục sang tên xe ô tô cũng khác nhau.
* Thủ tục sang tên xe khi cùng tỉnh
Nếu hộ khẩu thường trú của người bán và người mua (người chuyển nhượng và người được chuyển nhượng) cùng tỉnh/thành, quy trình thủ tục sang tên đổi chủ xe ô tô khá đơn giản, chỉ gồm 5 bước:
Bước 1: Làm hợp đồng và công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô.
Bước 2: Nộp lệ phí trước bạ xe ô tô cũ theo quy định.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký sang tên xe tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bước 4: Nộp lệ phí đăng ký xe theo quy định.
Bước 5: Nhận giấy hẹn lấy Giấy chứng nhận đăng ký xe mới.
Thông thường, khi chuyển nhượng, mua bán xe cũ cùng tỉnh, biển kiểm soát xe vẫn được giữ như cũ, chỉ có thông tin về chủ sở hữu xe được thay đổi trên Giấy đăng ký xe.
* Thủ tục sang tên xe khi khác tỉnh
Đối với xe đã qua sử dụng được chuyển nhượng, mua bán lại thì quy trình thủ tục sang tên đổi chủ khi người bán và người mua khác tỉnh/thành có phần phức tạp hơn. Cả hai bên phải thực hiện theo quy trình như sau:
Bước 1: Ký kết và công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô.
Bước 2: Nộp lệ phí trước bạ áp dụng cho ô tô cũ theo quy định.
Bước 3: Rút hồ sơ gốc của xe ô tô tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh/thành nơi người bán đăng ký.
Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký sang tên xe tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh/thành nơi người mua đăng ký thường trú.
Bước 5: Nộp lệ phí đăng ký xe.
Bước 6: Bốc và nhận biển số mới tại chỗ, nhận giấy hẹn lấy Giấy chứng nhận đăng ký xe.
Bước 7: Sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký xe, chủ xe tiến hành thủ tục đăng kiểm xe (làm sổ đăng kiểm) theo biển số mới.
Trong trường hợp không thể sắp xếp thời gian hoặc đang cư trú tại địa phương khác với tỉnh, thành đăng ký hộ khẩu thường trú, chủ sở hữu xe có thể ủy quyền cho người thân hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ sang tên xe ô tô thay mặt xử lý hồ sơ sang tên theo quy định.
4. Lệ phí đăng ký sang tên xe
Khi nộp hồ sơ đăng ký sang tên xe ô tô, người đăng ký xe phải nộp một khoản lệ phí theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
– Trường hợp cấp lại giấy đăng ký không kèm biển số (cùng tỉnh): 30.000 đồng/lần/xe.
– Trường hợp cấp lại giấy đăng ký kèm biển số mới: 150.000 đồng/lần/xe.