Người dùng có thể xét các tiêu chí về nhu cầu, độ tuổi và điều kiện kinh tế khi chọn tablet để học online.

Lệ Chi (quận Bình Thạnh, TP HCM) có con trai học lớp 3, đang dùng tạm máy tính của mẹ. Chị muốn mua thiết bị riêng cho con học và phân vân giữa laptop và máy tính bảng. Chị đang nghiêng về máy tính bảng vì dễ điều khiển hơn với màn hình cảm ứng, tính linh động cao hơn, không cồng kềnh, có thể di chuyển dễ dàng. Tuy nhiên, chị chưa biết nên chọn mẫu nào phù hợp.

Độ tuổi nên dùng máy tính bảng

Lê Thành, tư vấn viên của một hệ thống phân phối máy tính tại TP HCM, cho biết máy tính bảng sẽ phù hợp với học sinh tiểu học, tức trong khoảng 6 – 10 tuổi. Theo anh Thành, ở độ tuổi này, các bé chỉ cần học và tương tác với các chương trình được cài sẵn, chưa cần phải thực hành hoặc làm bài tập nhiều, nên máy tính bảng là lựa chọn hợp lý.

Máy tính bảng thường phù hợp với độ tuổi học online từ 7 - 10 tuổi. Ảnh: AP
Máy tính bảng phù hợp với độ tuổi 6 – 10 khi học online. Ảnh: AP

Nhờ màn cảm ứng, học sinh dễ tương tác, trong khi phụ huynh có thể cài nhiều ứng dụng hỗ trợ cả học online hay offline của trẻ. Nhiều máy tính bảng có chế độ cho trẻ em, giúp kiểm soát thời gian hơn.

So với laptop, máy tính bảng có màn hình đẹp và ít gây mỏi mắt hơn nếu dùng thời gian dài. Nhược điểm là khó cố định được tư thế ngồi, trừ khi phụ huynh đặt thiết bị cố định bằng các phụ kiện ốp lưng/bao da và yêu cầu trẻ ngồi ngay ngắn. Tuy nhiên, ngay cả với cách này, trẻ vẫn sẽ phải cúi mặt xuống một góc lớn hơn, hoặc khó ngồi thoải mái như khi sử dụng laptop.

Đối với học sinh học cấp hai trở lên, anh Thành cho rằng phụ huynh có thể cân nhắc mua máy tính bảng 2-trong-1, hỗ trợ bàn phím, chuột và các thiết bị ngoại vi khác. Tuy nhiên, chúng vẫn có một số giới hạn như phần mềm hỗ trợ hạn chế, thao tác không thuận tiện như laptop.

Chọn thiết bị theo nhu cầu

Hiện nay, nhiều phụ huynh cho biết vấn đề chi phí khiến họ đau đầu khi lựa chọn thiết bị học online cho con. Theo các chuyên gia, máy tính bảng giá rẻ sẽ là lựa chọn hợp lý.

Nhiều mẫu tablet có giá dưới 5 triệu đồng vẫn đáp ứng được việc học online, như Masstek Tab 10 Ultra (3,6 triệu đồng), Samsung Galaxy Tab A7 Lite (4,3 triệu đồng) hay Lenovo Tab M8 (3,8 triệu đồng). Các thiết bị này chạy Android, có màn hình lớn trên 8 inch, cấu hình đủ để cài các phần mềm học online.

Tuy nhiên, tablet dưới 5 triệu đồng thường có chất lượng màn hình không cao, có thể gây mỏi mắt nếu dùng lâu. Cấu hình máy ở mức cơ bản và sẽ hoạt động kém hiệu quả nếu cài quá nhiều ứng dụng, hoặc ứng dụng nặng.

Trong khi đó, phân khúc 5 – 10 triệu đồng có nhiều lựa chọn hơn. Ngoài việc để học online, người dùng có thể sử dụng để giải trí nhờ màn hình đẹp, độ phân giải từ Full HD, cấu hình mạnh và có nhiều lựa chọn về mẫu mã. Bên cạnh các mẫu Android như Galaxy Tab A7 2020 (7,5 triệu đồng) hay Xiaomi Mi Pad 5 Pro (9,5 triệu đồng), người dùng có thể chọn iPad của Apple, như iPad gen 8 10,2 inch giá 9,9 triệu đồng.

Sản phẩm ở phân khúc cao cấp hơn sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập và giải trí của mọi thành viên trong gia đình. Tuy vậy, với chi phí trên 10 triệu đồng, người dùng có thể cân nhắc chọn laptop để sử dụng lâu dài.

Những thông số khác

Theo Insights, máy tính bảng hiện nay thường có kích thước màn hình 7 – 12 inch. Tuy nhiên, để học online, người dùng nên chọn máy khoảng 10 inch, độ phân giải từ HD trở lên.

Về cấu hình, thông số được khuyến cáo là chip 4 nhân, RAM từ 3 GB, bộ nhớ từ 128 GB. Các thiết bị nên có hỗ trợ LTE trong trường hợp Wi-Fi thiếu ổn định hoặc không thể kết nối. Những thiết bị này cũng nên có thời lượng pin trên 5.000 mAh để giảm thiểu gián đoạn khi học tập.

Camera cũng là yếu tố cần lưu ý khi chọn máy tính bảng học trực tuyến. Người dùng tìm chọn các model có camera trước độ phân giải từ 5 megapixel trở lên.

Ngoài ra, việc lựa chọn hệ điều hành nào cũng là yếu tố quan trọng. Thông thường, các mẫu Android ít được cập nhật hơn, trong khi iPad được hỗ trợ vòng đời phần mềm lâu hơn.